Daiwa idw Hoa Binh HBG
Trang chủ Lĩnh vực kinh doanh Xúc tiến Xúc tiến Đầu tư NHÀ MÁY SẢN XUẤT & LẮP RÁP

NHÀ MÁY SẢN XUẤT & LẮP RÁP

I. Giới thiệu về xúc tiến đầu tư

Với sự phát triển của kinh tế xã hội, các dự án đầu tư ngày càng được chú trọng với mục tiêu làm thay đổi bộ mặt của cả nước nói chung và địa phương nói riêng. Trước thực tiễn đó, pháp luật đã đặt ra quy định về hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam.

1. Xúc tiến đầu tư là gì?

Khái niệm về đầu tư trong Luật Đầu tư được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3, gắn với đầu tư kinh doanh, đó là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”.

Mặc dù được nhắc đến rất nhiều như một thuật ngữ phổ biến nhất về đầu tư, tuy nhiên, trong tất cả các văn bản pháp luật hiện hành đều không đưa ra định nghĩa về “xúc tiến đầu tư”, điều này dẫn đến những khó khăn trong việc hiểu và nhận diện chính xác về hoạt động này. Dựa trên kiến thức của cá nhân, tác giả đưa ra khái niệm về xúc tiến đầu tư như sau: Xúc tiến đầu tư là những hoạt động của cơ quan có thẩm quyền nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đến địa phương (nước) mình để đầu tư. Như vậy kết quả của hoạt động này chính là các nguồn lực đầu tư thu hút được vào địa phương (quốc gia).

Xúc tiến đầu tư có vai trò cực kỳ quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư; hình thành khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa lớn; Tạo điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương và cả nước; và giảm bớt  sự bất cân xứng thông tin.

Xúc tiến đầu tư là công cụ năng động và gây ảnh hưởng định hướng đến nhà đầu tư và là hình thức tuyên truyền nhằm tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Trước hết, xúc tiến đầu tư là một công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện chính sách FDI, có tác động đến việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Xúc tiến đầu tư FDI chỉ là một công cụ trong số các công cụ phát triển kinh tế. Xúc tiến đầu tư thực chất là giải quyết bài toán tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Thông qua xúc tiến đầu tư, các dự án FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ, đồng thời là nhân tố quan trọng phát huy nguồn nội lực nhất là trong giai đoạn khi mức tích lũy của nền kinh tế còn thấp.

2. Các hoạt động xúc tiến đầu tư:

Hoạt động đầu tư được quy định tại Điều 74 Luật Đầu tư và hướng dẫn thi hành tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nội dung về các hoạt động xúc tiến đầu tư thể hiện trong các quy định này dưới các khía cạnh sau:

2.1. Cơ quan xúc tiến đầu tư:

Các cơ quan xúc tiến đầu tư là các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mỗi cơ quan sẽ có các phạm vi, mục đích xúc tiến đầu tư khác nhau, trong đó:

– Chính phủ chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, định hướng xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư theo ngành, vùng và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch. (Khoản 1, Điều 74).

Có thể thấy rằng, vai trò của Chính phủ thể hiện ở việc “quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước.“. Chính phủ không thực hiện xúc tiến đầu tư theo đúng bản chất của nó, mà đưa ra các định hướng trong xúc tiến đầu tư, làm cơ sở cho các cơ quan khác thực hiện xúc tiến đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển cụ thể. Điều này cũng dễ hiểu bởi Chính phủ là cơ quan đứng đầu hành pháp, hoạt động của cơ quan này chỉ mang tính chất “chỉ đạo” các cơ quan cấp dưới trong từng lĩnh vực để giảm tải gánh nặng cho chính mình, cũng như phân cấp quản lý hiệu quả.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia; điều phối các hoạt động xúc tiến đầu tư liên vùng, liên tỉnh; theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả xúc tiến đầu tư trên địa bàn cả nước. (Khoản 2, Điều 74).

Trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia được coi là trọng tâm, theo đó, ” Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là tập hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia, có tính liên vùng, liên ngành do các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước.” (Khoản 1, Điều 92 Luật Đầu tư). Bên cạnh đó, Bộ kế hoạch đầu tư còn thực hiện việc lên kế hoạch, tổ chức, vận hành, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư liên vùng, liên tỉnh. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trở thành cánh tay đắc lực cho Chính phủ trong hoạt động vừa quản lý vừa thực hiện xúc tiến đầu tư trực tiếp.

– Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến đầu tư trong các lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. (Khoản 3, Điều 74).

Các Bộ và cơ quan ngang Bộ thực hiện hoạt động liên quan đến xúc tiến đầu tư thông qua các đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền. Còn đối với Ủy ban nhân dân tỉnh hoạt động thông qua đầu mối là Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài ra cơ quan này có thể thành lập cơ quan trực thuộc hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình và có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí hoạt động. (nếu thành lập cơ quan thì phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định) (Khoản 2, 3, 4, Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP).

Trong xúc tiến đầu tư, vai trò của Sở Kế hoạch đầu tư hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cực kỳ quan trọng, đây là hoạt động để tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ, góp phần làm phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Khi nhắc tới cơ quan xúc tiến đầu tư, không thể không nhắc đến đầu mối đầu tư tại nước ngoài, theo đó “Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài” (Điểm a, Khoản 5, Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP). Đây là cơ quan có vai trò trong việc tiếp cận và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư ban đầu nhằm tìm kiếm và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

2.2. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư:

Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư được quy định tại Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, bao gồm 8 nội dung cơ bản:

Một là, nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Đây là nội dung cũng như là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động xúc tiến đầu tư, là giai đoạn quyết định đến việc xúc tiến đầu tư có khả thi hay không và hiệu quả trên thực tế được tác động bởi yếu tố khách quan.

Hai là, xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Đây là hoạt động nhằm thu hút, thể hiện sự hấp dẫn của các dự án đầu tư và cho nhà đầu tư thấy được tiêm năng phát triển mạnh mẽ của dự án, đồng thời đây là cách để các bên tiếp cận và dần có “thiện cảm” với nhau.

Ba là, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn vào để thực hiện hoạt động kinh doanh, việc hỗ trợ, hướng dẫn hay tạo điều kiện thuận lợi là cách để cơ quan xúc tiến đầu tư “mở đường’ cho chính mình trong việc đáp ứng yêu cầu của “một khách hàng” trước dự án trong tương lai.

Bốn là, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Đây là cơ sở để lưu trữ và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư có kế hoạch, hiệu quả, hợp pháp, hợp lý, cũng là những tài liệu chứng minh quá trình xúc tiến đầu tư là đúng quy trình.

Năm là, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư. Hoạt động này có ý nghĩa thực sự có vai trò quan trọng, việc xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư lựa chọn các dự án phù hợp với chính mình, cũng là cách để cơ quan xúc tiến quản lý các dự án mong muốn được thực hiện trong tương lai.

Sáu là, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Các tài liệu, ẩn phấn được kể đây cũng tương tự như một cách xây dựng hình ảnh, tuyên truyền cho hoạt động xúc tiến đầu tư, các tài liệu nhằm phục vụ cho hoạt động xúc tiến được diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.

Bảy là, đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư. Đây là hoạt động nhằm bồi dưỡng chất lượng nhân sự thực hiện trực tiếp hoạt động xúc tiến đầu tư trong các cơ quan xúc tiến đầu tư.

Tám là, hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư, trọng tâm là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc hợp tác trong nước và quốc tế làm nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư hiệu quả và hiện đại.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

Luật Đầu tư năm 2020.

Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.

II. Cơ chế xúc tiến đầu tư theo pháp luật Việt Nam

2.1. Xúc tiến đầu tư trong nước

- Chính sách, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước

Chính sách và cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước tại Việt Nam bao gồm nhiều hình thức khác nhau:

  • Ưu đãi thuế: Các nhà đầu tư có thể được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường trong một khoảng thời gian nhất định hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư. Ngoài ra, còn có các hình thức ưu đãi khác như miễn thuế, giảm thuế.
  • Ưu đãi về tài chính: Nhà đầu tư có thể được hỗ trợ về tài chính thông qua các hình thức như miễn thuế nhập khẩu, hoàn thuế nhập khẩu, cung cấp vốn cho doanh nghiệp.
  • Hỗ trợ đầu tư: Nhà đầu tư có thể được hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ, hỗ trợ về thủ tục hành chính, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thông tin.
  • Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo Luật Đấu thầu 2023.

- Quy trình, thủ tục xúc tiến cho nhà đầu tư trong nước

Một trong những bước quan trọng để nhà đầu tư được phép tiến hành thực hiện dự án đầu tư là được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tùy thuộc vào quy mô, ngành nghề đầu tư, nhà đầu tư phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội trước khi thực hiện dự án. 

Quy trình và thủ tục xúc tiến cho nhà đầu tư trong nước tại Việt Nam bao gồm nhiều bước quan trọng:

  • Đăng ký tài khoản trên hệ thống.
  • Kê khai thông tin, đăng tải văn bản điện tử trên hệ thống hoặc nộp bộ hồ sơ giấy.
  • Giải trình nội dung cần bổ sung (nếu có).
  • Mang chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân,  hộ chiếu) và giấy biên nhận đến bộ phận trả hồ sơ để nhận kết quả.

2.2. Xúc tiến đầu tư nước ngoài

- Chính sách, cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài

Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Các chính sách này bao gồm

  • Chính sách về đầu tư kinh doanh chung: Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật Đầu tư không cấm. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
  • Hình thức áp dụng ưu đãi đầu tư: Bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư; miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất.
  • Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư: Bao gồm dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020; dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên và thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư.

- Quy trình, thủ tục xúc tiến đầu tư nước ngoài

Quy trình và thủ tục xúc tiến cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

  • Đăng ký tài khoản trên hệ thống.
  • Kê khai thông tin, đăng tải văn bản điện tử trên hệ thống hoặc nộp bộ hồ sơ giấy.
  • Giải trình nội dung cần bổ sung (nếu có).

Mang chứng minh nhân dân (hoặc căn cước công dân,  hộ chiếu) và giấy biên nhận đến bộ phận trả hồ sơ để nhận kết quả.

III. Cơ quan, tổ chức hỗ trợ xúc tiến đầu tư theo pháp luật nước ngoài

Có một số cơ quan và tổ chức tại Mỹ hỗ trợ xúc tiến đầu tư, bao gồm:

  • Office of Investment Affairs (OIA): OIA thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, thúc đẩy các chính sách đầu tư âm thanh hỗ trợ việc làm, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng của Mỹ.
  • Invest in America: Đây là cơ chế chính của Chính phủ Mỹ để quản lý việc xúc tiến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
  • U.S. Department of Commerce: Bộ Thương mại Mỹ thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), những hoạt động đã được chứng minh là nguồn tạo ra việc làm

Tại Trung Quốc, cơ quan tổ chức hỗ trợ xúc tiến đầu tư gồm:

  • China Investment Promotion Agency (CIPA): CIPA là cơ quan xúc tiến đầu tư của Trung Quốc. Nó chịu trách nhiệm mời gọi (FDI in China) và đi ra ngoài (đầu tư ra nước ngoài). CIPA là một phần của Bộ Thương mại của Trung Quốc.
  • Anhui Provincial Foreign Investment Promotion Center (AIPC).
  • Beijing International Investment Promotion Council.
  • Xiamen International Investment Promotion Center.
  • Chongqing Promotion and Service Center for Foreign Investment.
  • Dongguan Foreign Investment Promotion Center.

Fujian Foreign Investment Service Center.

IV. Một số lưu ý liên quan đến xúc tiến đầu tư nước ngoài

4.1. Đại sứ quán có được xem là cơ quan hỗ trợ xúc tiến đầu tư không?

Theo điểm b Khoản 3 Điều 100 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đại sứ quán được xem là cơ quan hỗ trợ xúc tiến đầu tư.

4.2. Hiện nay, cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong nước. Quan điểm trên đúng hay sai?

Quan điểm trên là sai. Tùy thuộc vào các yếu tố ngành nghề kinh doanh, quy mô dự án, chính sách bảo hộ ngành sản xuất trong nước, và các yếu tố khác mà cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài có sự chênh lệch so với cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong nước. Do đó, không thể khẳng định cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn cơ chế ưu đãi dành cho nhà đầu tư trong nước.

Tin khác

Khách hàng

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DAIWA

Địa chỉ: Biệt thự 15/2, Phố Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Điện thoại: +84-24-3668-6390

Email: info@idw.com.vn; info@hbg.com.vn;